Khó khăn Hòa giải và hòa hợp dân tộc ở Việt Nam

Hòa giải và hòa hợp dân tộc ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân bắt nguồn từ nhiều phía.

Quan điểm của nhà nước Việt Nam

Theo báo Nhân dân, các phần tử cơ hội chính trị thường lợi dụng việc chống phá quá trình hòa hợp dân tộc để có các vị thế trong nền chính trị. Thậm chí còn câu kết với các thế lực nước ngoài để thực hiện mưu đồ của mình.[26] Việc các cá nhân cực đoan trong xã hội có những hoạt động gây chia rẽ các bên khiến quá trình hòa giải, hòa hợp trở nên khó khăn hơn.

Theo báo Quân đội Nhân dân, các thế lực không có thiện cảm với chính quyền Việt Nam đã lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, chủ quyền biên giới, nhân quyền nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của Việt Nam, từ đó gây mất an ninh quốc gia, tạo cơ hội để các thế lực này can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Hoạt động chủ yếu là kích động ly khai, sử dụng các chiêu trò tôn giáo để lừa bịp những người có học vấn thấp, thực hiện ý đồ biểu tình, bạo loạn lật đổ. Các thế lực này còn lôi kéo người dân tộc thiểu số vượt biên rồi vu cáo phía Việt Nam đàn áp, từ đó tạo cớ để can thiệp vào Việt Nam. Hoạt động chia rẽ tôn giáo luôn được các thế lực này chú trọng, đặc biệt là gây những mâu thuẫn không đáng có giữa Phật tử và người Công giáo, hằm làm lu mờ đường hướng sống "tốt đời, đẹp đạo", "kính chúa, yêu nước" của đồng bào có tín ngưỡng. Để thực hiện mưu đồ của mình, các thế lực này đẩy mạnh tuyên truyền, bóp méo chính sách cũng như tình hình thực tế ở Việt Nam.[27]

Quá trình hòa hợp và hòa giải dân tộc còn gặp khó khăn khi các thế lực không có thiện chí với chính quyền Việt Nam kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, tư tưởng bài ngoại, bảo thủ. Các thế lực này muốn dân tộc Việt Nam lao vào một cuộc chiến "nồi da nấu thịt" như đã diễn ra ở một số nước thông qua việc kích động, dung dưỡng cho quan điểm đề cao lợi ích cục bộ của mỗi dân tộc, chia rẽ tình đoàn kết thống nhất và từ bỏ những lợi ích chung của dân tộc Việt Nam để kích động đồng bào dân tộc ít người tham gia các phong trào ly khai. Mục đích của những người này là chia cắt đất nước ta thành nhiều vùng miền, khu vực tự trị của đồng bào dân tộc thiểu số, phá vỡ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Sự chống phá còn đến từ việc tuyệt đối hóa tính biệt lập, đặc thù của mỗi tôn giáo, đề cao tôn giáo mình, phủ nhận hoặc xem thường với thái độ miệt thị các tôn giáo khác và những người không theo tôn giáo; chỉ thấy quyền lợi của tôn giáo mình, chà đạp lên quyền lợi của tôn giáo khác và nuôi dưỡng ngày càng sâu mối hận thù với các dân tộc, tôn giáo khác...Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam đã chứng minh, các nước đế quốc có âm mưu thôn tính nước ta đã tính toán đến âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tạo dựng tay chân từ bên trong để chống phá nhân dân Việt Nam.[28] Về vấn đề đa nguyên, đa đảng, phía chính quyền trong nước cho rằng đa đảng là không cần thiết do lịch sử đã chứng minh, đa đảng không có lợi cho lợi ích quốc gia. Lịch sử Việt Nam đã có thời kỳ đa đảng và khi đất nước bị xâm lược hoặc trong tình trạng khó khăn, các thế lực muốn xâm lược Việt Nam thường lợi dụng tình trạng đa đảng để gây mất đoàn kết nội bộ của Việt Nam, làm người Việt Nam chống lại nhau chứ không chống lại ngoại xâm.[29]

Theo báo Công an Nhân dân, một trong các khó khăn khác là các thế lực không có thiện chí với chính quyền Việt Nam đã lợi dụng, bóp méo lịch sử cũng như lợi dụng lòng hận thù của những người Việt từng tham gia các cuộc chiến xâm lược Việt Nam do nước ngoài thực hiện để chống phá quá trình hòa hợp và hòa giải dân tộc. Một bộ phận người Việt ở nước ngoài vẫn ôm chặt tư duy cũ, chống đối và định kiến về đất nước. Khi nhìn lại thực tế lịch sử, một số thông tin ở nước ngoài do các thế lực không có thiện chí với chính quyền Việt Nam đã bóp méo sự thực, quy chụp rằng do chính quyền trong nước đối xử thậm tệ với những người từng phục vụ cho chính thế Việt Nam Cộng hòa và không hề quan tâm việc hòa giải, hòa hợp dân tộc. Những người này đặt nặng tâm lý "thắng-thua" nên cho rằng người Việt không thể hòa hợp và hòa giải. Đặc biệt, những người không có thiện chí với chế độ chính trị trong nước vu cáo Đảng Cộng sản và chính quyền trong nước đã bỏ rơi kiều bào nước ngoài để phủ nhận việc Đảng Cộng sản luôn coi cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Những người này còn lập lờ khi cho rằng những người Việt ra nước ngoài do không chấp nhận chế độ chính trị trong nước trong khi phớt lờ thực tế là ngày càng có nhiều kiều bào hồi hương hay về thăm quê. Để tránh để các thế lực không có thiện chí với chính quyền Việt Nam, những người Việt xa xứ nên trở về để trải nghiệm thực tế đang diễn ra trong nước để cùng xoá bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Để thực hiện hòa hợp, hòa giải dân tộc thành công cần:

  1. Lấy lợi ích dân tộc, gốc rễ đồng bào làm điểm tựa. Dân tộc Việt Nam có truyền thống tương thân, tương ái thì dù sinh sống ở đâu, cái nghĩa đồng bào vẫn là điểm trọng. Con cái có thể lúc này hay lúc khác vì các lý do khác nhau mà ra đi, mà có những khác biệt nhưng đất mẹ luôn bao dung, rộng vòng tay đón những đứa con trở về.
  2. Tôn trọng lịch sử, không khoét sâu hận thù. Không có cuộc chiến tranh nào mà không có đau thương, mất mát, không có chia ly kẻ đi, người ở, không có những hận thù nhưng tất cả khi đã là quá khứ, người Việt phải biết để nó lại đằng sau, biết lấy đó làm bài học để tránh lặp lại. Việc những người Việt từng phải đối đầu giữa hai bên chiến tuyến, đó là một giai đoạn lịch sử mà dân tộc Việt Nam trải qua với bao biến cố để có được độc lập, thống nhất như hiện nay.
  3. Lấy chân thành để xóa thù hận: Những khác biệt trong quan điểm giữa bộ phận người Việt ở nước ngoài với đất nước cần được giải quyết bằng sự chân tình. Trên cơ sở quan điểm, đường lối vì sự phát triển và ổn định về kinh tế-chính trị-xã hội của đất nước Việt Nam, vì sự thống nhất, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, người Việt cần đến với nhau bằng sự thực tâm, phía chính quyền trong nước cần tiếp tục chủ động mở rộng tiếp xúc cả với những người còn có định kiến, mặc cảm với chế độ chính trị trong nước; tạo điều kiện để những người đã phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng hòa, những người hoạt động tôn giáo, văn hóa - nghệ thuật, xã hội… có tinh thần dân tộc được trở về quê hương.
  4. Cần vạch trần âm mưu lợi dụng hòa hợp, hòa giải dân tộc để chống phá chính quyền Việt Nam. Cần vạch trần sự đen tối của những quan điểm làm sai lệch bản chất lịch sử hay bản chất của dân tộc Việt Nam như cho rằng, đối với người Việt Nam thì không thể có hòa giải, hòa hợp hay đặt ra điều kiện, muốn hòa giải, hòa hợp thì chế độ chính trị trong nước phải được thay đối theo hướng không phù hợp với điều kiện khách quan trong nước hòng tạo cơ hội để các thế lực không có thiện chí với dân tộc Việt Nam can thiệp vào nội bộ, làm mất tự chủ của đất nước Việt Nam
  5. Cần nhận thức rằng, dù còn những khác biệt, những vách ngăn chưa được tháo gỡ song xu thế đồng thuận và ủng hộ công cuộc phát triển đất nước ngày càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, trở thành nguyện vọng chung của hầu hết người Việt Nam. Dù ở đâu, bất cứ ai cũng có quyền về quê hương đất mẹ để thăm lại cố hương, nhớ lại tuổi thơ yên bình, gặp lại người thân, thắp nén nhang cho người thân đã khuất, không có gì cản trở những ý nguyện tốt đẹp của bất cứ ai đối với đất nước mình. Sự chống phá chỉ là thiểu số và ngày càng lạc lõng, đơn điệu trong xu thế phát triển đất nước, sự hội nhập sâu rộng.[30][31][32]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hòa giải và hòa hợp dân tộc ở Việt Nam http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/04/buoi-phat-t... http://quochoi.org/tren-con-duong-hoa-giai-dan-toc... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/av/2009/03/090301_... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/02/1402... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/03/11... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007... http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/khai-mac-t... http://baoquocte.vn/hiep-dinh-paris-qua-tai-lieu-c... http://baoquocte.vn/khoi-dong-trai-he-viet-nam-201... http://baoninhthuan.com.vn/diendan/61402p1c155/dau...